Bà Tâm ì ạch lê từng bước lên cầu thang. Vẻ mỏi mệt vướng víu đầy trên mặt. Bà nhẹ nhàng đẩy cửa. Ngôi nhà có vẻ yên ắng lạ thường. Thi thoảng có tiếng cười rung rúc cuối phòng. Như người rình ăn trộm, bà thận trọng dò từng bước. Nhịp tim bà càng lúc càng rung lắc giữ dội khi định vị rõ ràng cái âm thanh gái trai chim chuột nhau ấy. “Chuyến này thì bà bắt được quả tang rồi nhé. Hết đường chối cãi”. Đây sẽ là cái bằng chứng tốt nhất để bà có thể nhẹ nhàng trút bỏ cuộc hôn nhân. Bà xô ào cánh cửa. Mắt bà trợn ngược lên. Trời ơi! Đứa con gái “rượu” mà bà hết mực yêu thương. Nó và thằng con trai lạ hoắc đang trần như nhộng, chẳng khác nào hai con cua bị lột vỏ, bỏ càng. Chúng láo ngáo không biết lấy gì che chắn. Bốn con mắt thất thần nhìn bà.
Mặt bà Tâm nóng phừng phừng. Người bà sôi lên như một cái chảo dầu. Bà vớ cây chổi ở góc tường, quất tới tấp vào hai đứa. Vừa đánh, vừa giảng: “Tao cho mày đi học hành tử tế để giờ mày dắt trai về nhà ngủ nghê à?”. Nhát chổi vừa rớt xuống thì bị thằng con trai ghìm chặt lại. Hai con mắt nó hí nhỏ, trừng lên thách thức.
- Nó là con gái bà. Bà muốn đánh chết nó sao?
- Mày con cái nhà ai mà hỗn láo quá vậy? Tao sẽ đến tận nhà mày xem cha mẹ ăn nói ra sao? Biến khỏi đây ngay.
Nó đứng phắt dậy, vội vã mặc quần áo và điềm nhiên bước ra khỏi cửa, trong ánh mắt hằn lên tia nhìn tức tối. Và những nhát chổi lại tiếp tục thi nhau chạy xuống chân Hà. Nó không khóc, cặp mắt trợn tròn.
- Bà đánh chết tôi đi. Tôi cũng chẳng thiết sống trong cái nhà này nữa.
- Loại hư thân mất nết như mày mà còn dám ăn nói hỗn xược với tao à.
- Bà lấy tư cách gì để dạy tôi. Bà xem lại mình đi. Bà còn lăng nhăng hơn tôi...
Cửa bật mở. Đứa con gái hậm hực bước ra ngoài. Bà ngồi bệt dưới nhà, hai tay thõng xuống với vẻ ngao ngán tận cùng. Những lời xúc phạm của con gái cứ âm ỉ quanh tai. Cảm giác giận dữ, ê chề, chán ngán xáo trộn trong lòng bà. Từng lời nó buông ra như mũi thuốc mê chích trúng vào mạch máu. Bà cứng họng, không nói nên lời. Đứa con gái mà bà luôn yêu thương đang ngày một rời xa. Bà đã không thể bảo vệ cho nó. Điều khiến bà ngạc nhiên là tại sao nó lại biết hết mọi chuyện? Phải chăng chồng bà cũng biết. Bà vừa phân vân vừa nghi ngờ. Bà biết con đường mình đang đi là tội lỗi nhưng khổ nỗi bà không thể dứt ra được. Mỗi lần gặp người tình, bà như sống lại thời thanh xuân rạo rực nhất. Anh ta kém bà đến mười tuổi. Sức trai trẻ cuồn cuộn trong từng thớ thịt, vầng trán cao ngời ngời nét thông minh. Tất cả như một ma lực huyền bí, cuốn phăng bà ra khỏi người chồng hiền hậu đến khờ khạo.
Mỗi lần chồng đi làm về, bà luôn kiếm chuyện cằn nhằn, chửi rủa. Ngay đến những thói quen nhỏ nhặt nhất của ông bà cũng moi ra tất tần tật. Cái mặt ông vô tình trở thành nguyên nhân của những cơn giận vô lý. Cái gia đình “ngoài ấm, trong ồn” ấy kéo dài lay lắt cho đến tận bây giờ cũng nhờ nỗ lực không nhỏ của ông chồng. Vài tháng sau, bà tuyên bố li thân. Căn nhà càng âm u, nặng nề hơn tù ngục. Mỗi sáng ông Tâm chồng bà vẫn đều đặn chở hai đứa con gái đi học và mỗi tối vẫn tranh thủ trở về nhà giặt giũ quần áo cho cả gia đình. Bà Tâm dành hầu hết thời gian cho việc trông coi quán cà phê. Không biết có phải vì cái tính nhẫn nhịn, chịu khó của ông đã biến ông thành một kẻ cù lần trong mắt vợ. Hiếm khi nào ông cãi lại bà nửa lời.
Chiều hôm đấy, như thường lệ ông kéo mớ quần áo trong tủ của vợ ra ủi. Chiếc bàn ủi lả lướt trên mặt vải, vấp phải một vật cản. Nó chựng lại. Ông đưa tay lần sờ túi áo vợ, vừa trông thấy vật lạ, hai con mắt ông tối sầm. Que thử thai. Chấm đỏ sáng lên. Nước mắt ông chực trào ra. Đầu óc ông choáng váng như người say rượu mới tỉnh. Nỗi uất ức, tủi nhục dồn nén bấy lâu giờ mới có dịp bùng lên. Cơ thể ông nóng lên ngùn ngụt như cái lò than rực lửa. Tưởng chừng như một con ruồi vô tình đậu vào đó cũng có thể tan chảy ra thành nước. Suốt mấy tháng nay, mỗi lần ông vác gối vào phòng, bà đều giãy nảy lên. Mấy lần ông lầm lũi ra ngoài cửa sổ phì phèo châm điếu thuốc. Cái tuổi ngoài bốn mươi của ông không khỏe khoắn như trai tân nhưng vẫn rừng rực trong lòng nỗi thèm muốn yêu đương. Giờ thì ông hiểu tại sao vợ từ chối mình. Suốt ngày hôm đó, người ông Tâm rã ra như cháo. Một thằng đàn ông bị vợ cắm sừng. Cái nhục ấy còn gì đau bằng. Niềm tin, tình yêu đang vỡ vụn.
Bà Tâm vừa vào đến cửa. Một cái tát giòn giã. Trước khi hỏi lí do, bà vụt lại ông hai cái tát. Từ trước đến nay, ông không dám đụng đến bà dù chỉ là một cây tóc con. Trận chiến bắt đầu. Cơn mưa tát dội xuống lộp độp. Đứa con gái nhỏ sợ hãi, khóc òa. Lúc này, ông Tâm mới ngừng lại. Ông rất sợ con cái tổn thương vì những cuộc gây gổ của cha mẹ. Ông gọi như hét:
- Hà đâu rồi? Vào đưa em đi chỗ khác chơi.
Hai đứa con dắt díu nhau ra ngoài. Cuộc cãi vã kịch liệt được nối lại.
- Tại sao cô phản bội tôi?
- Ai nói với anh? Con Hà phải không?
- Chính mắt tôi trông thấy. Suốt mấy tháng nay, tôi và cô không chung đụng, vậy mà cô lại có thai? Nói đi nó là con ai?
Giọng ông Tâm như sắp rạn ra vì uất ức. Bên thái dương nổi những sợi gân xanh nhợt nhạt, hai hàm ông răng dính chặt vào nhau, môi trên dần dật.
- Con tôi.
Bà Tâm nhướng cặp mắt đầy vẻ ngạo mạn. Ông Tâm trợn con mắt lúc này đã đỏ ngàu. Miệng ông méo xẹo.
- Nó là con thằng nào?
- Nếu ông cảm thấy không thể chịu đựng được, vậy thì li hôn đi. Tôi cũng ngán ngẩm lắm rồi.
Bà Tâm quay ngoắt vào trong, cái dáng đi nhanh và nhẹ như người chơi lướt ván. Ông cứ ngỡ tính tình mưa nắng thất thường của bà sẽ nguôi ngoai trong nay mai. Ai ngờ đâu chính người vợ mà ông dành trọn tình yêu lại phản bội một cách tàn nhẫn. Ông gục mặt vào tường, nước mắt chảy ràn rụa. Lần này, ông đã không thể ngăn những giọt nước mắt tràn xuống cánh mũi. Ông không đủ mạnh mẽ để kiềm chế cảm xúc thật của mình. Ông muốn gào lên để tống khứ tất cả uất nghẹn ra khỏi lòng. Ông biết làm như vậy là yếu đuối nhưng đôi khi lí trí không đủ sức để đánh gục tình cảm. Suốt buổi tối hôm đó, ông Tâm tu liền một hơi ba chai rượu trắng.
Không khí gia đình ngày một lạnh tanh, vợ chồng sống chung với nhau dưới một mái nhà mà xa lạ hơn cả khách trọ. Ông vẫn luôn làm tròn bổn phận của một người cha, sáng chở con đi học, tối rước chúng về. Có điều ông trở nên trầm lặng. Từ khi bà Tâm sanh con, căn nhà bớt u ám hơn song mối quan hệ của hai người không hề thay đổi. Bà Tâm vẫn lén lút gặp tình nhân. Sự vụng trộm làm cả hai thấy vui sướng lạ kỳ. Vừa giao quán cho đứa em họ trông coi, bà phóng lên taxi, đến ngay khách sạn. Bà dừng lại trước phòng 207 như đã hẹn, hồi hộp đứng ngoài cửa. Mặc dầu “ăn nem" rất nhiều lần tuy nhiên mỗi khi bước vào đây, bà lại cảm thấy day dứt khi nghĩ đến khuôn mặt ủ dột của chồng trong những đêm về muộn. Cái dằng xé giữa trách nhiệm làm mẹ, làm vợ, nhấm nháp cái thích thú đang trỗi dậy trong bà. Cánh cửa phòng hé mở, một đôi tay lực lưỡng bế thốc bà lên, đôi môi bà nóng ran bởi những nụ hôn nghiến ngấu của người tình. Cửa phòng đóng lại, tiếng lạo xạo của mớ quần áo kéo vội vã. Sau một hồi mây mưa, bà gối đầu lên tay Phong, người rã rượi. Phong nhởm dậy, với điếu thuốc, gõ nhè nhẹ đầu lọc lên tấm nệm, bật quẹt và rít một hơi thật dài. Bà thích nhìn người tình hút thuốc, cả sự đăm chiêu của anh. Đôi mắt Phong nhìn vào một vùng khoảng không thăm thẳm. Bà chẳng thể đoán được ẩn sâu dưới mái tóc quăn rậm rạp ấy, đang tồn tại những ý nghĩ gì. Các ngón tay Phong vuốt ve mái tóc bà Tâm. Thi thoảng chúng cài sâu vào nó như một chiếc lược thưa. Phong thì thầm:
- Có lẽ anh phải về quê lấy vợ.
Bà Tâm cố mở to đôi mắt, gượng gạo một nụ cười.
- Anh không đùa đấy chứ?
- Em nghĩ anh là người thích nói đùa à. Anh ra trường ba năm rồi mà công việc vẫn chẳng vào đâu. Ở đây không hợp với anh lắm. Mà anh cũng phải về nhà kiếm vợ chứ. Ba mẹ hối thúc mãi.
- Còn em thì sao?
- Em khác anh, em có chồng và cả những đứa con xinh xắn.
Nước mắt rớt nóng bỏng trên tay Phong, một cái gì đó trống trải, cô đơn bủa quanh bà. Mặc dù nằm cạnh Phong nhưng bà có cảm giác cứ như giữa hai người đang xa xôi nghìn dặm. Mầm mống của sự chia li đang lớn lên tùng phút trong lòng bà. Cái dự cảm chia tay nhau đã lờ mờ xuất hiện ngay từ khi bà mới quen Phong. Giữa hai người có quá nhiều điểm khác biệt. Bà đã chấp nhận một cuộc phiêu lưu mạo hiểm khi tiến về phía Phong. Không một lời hứa, không có một cơ sở chắc chắn nào nói rằng sẽ đem lại hạnh phúc cho bà. Vậy mà bà vẫn cứ mê muội chạy theo, ngay đến lúc này bà cũng không dám hình dung ra cảnh tượng không bao giờ trông thấy Phong.
Gần 12 giờ đêm, bà mới lọ mọ về nhà, ông Tâm ngồi đợi cửa, dáng vẻ mỏi mệt. Bà quan sát chồng qua chiếc lỗ nhỏ của cánh cửa. Điện thoại rung, ông vừa đứng lên vội vã vừa cố ghìm bước chân chậm chạp khi ra kéo cửa.
Chỉ có tiếng cửa đóng ken két, tuyệt nhiên không một tiếng người nói. Gió thổi rần rật, chiếc chuông gió trước nhà kêu leng keng. Hai con người từng gần gũi nay lại kiệm với nhau từng lời nói. Họ như hai chiếc bóng phất phơ trong đêm tối. Vào đến nhà, ai vào phòng nấy. Bà Tâm nhè nhẹ lại gần giường của con, nó ngủ ngon như một thiên thần. Ngoài bốn mươi tuổi sinh con sẽ không tốt nhưng bà không bỏ nó, vì nó là giọt máu của Phong. Từ khi nó chào đời, bà không bao giờ cằn nhằn với chồng dù nửa câu. Ông đã quá cao thượng trong cách cư xử với hai mẹ con bà. Bà con dòng họ không ai biết bà ngoại tình và có con riêng. Trước đây, bà từng sợ chồng sẽ ghét bỏ con riêng và tìm cách hại nó. Ngày ngày bà đều rót vào tai con bé ba tuổi những câu đại loại như “con phải biết nghe lời ba, không được lì lợm. Đi đâu cũng phải chào ba, người nào hỏi thương ai nhất nhà thì phải nói rằng thương ba nhất”. Chẳng biết cô bé ba tuổi có hiểu được những lời đường mật mà mẹ nó nói ra hay không? Có điều suốt ngày, nó bám riết lấy ông Tâm, nói líu lo bên tai ông. Cái hồn nhiên, ngây thơ của trẻ nhỏ khiến ông không tài nào ghét bỏ nó. Thậm chí ông còn lo lắng cho nó như hai đứa con ruột của mình.
Chiều thứ bảy, mưa lùn phùn, ai nấy lụp sụp trong những chiếc áo mưa rộng tênh. Quán cà phê, khách vắng hoe. Gác một chân lên ghế, bà Tâm ngồi thẫn thờ. Mấy tháng nay, bà mất ngủ liên tục vì nhớ Phong. Cái tên như cơn gió đến rồi đi lặng lẽ. Đôi lần buồn chán, bà muốn bỏ đi thật xa song nhờ có đứa con riêng như một sợi dây níu giữ những kỷ niệm và níu giữ cả hình bóng của Phong. Nó giống cha như đúc ra từ một khuôn. Bà cũng không hiểu tại sao mình lại không hề oán hận Phong. Mặc dù suốt những năm tháng Phong ngồi trên giảng đường đều một tay bà chu cấp tiền bạc. Ngay khi đã ra trường, bà cũng chính là người sắm xe, sắm điện thoại cho Phong. Bà trang bị tận răng vậy mà Phong vẫn dứt áo ra đi. Tình cảm đã không thuộc về mình thì cố níu kéo, gìn giữ nó vẫn trôi tuột khỏi tầm tay. Bà tự nhủ với lòng đó chỉ là một trò đùa ân ái trong quá khứ và quên đi khi trước mắt bà còn cả một gia đình.
Mưa trút nước ra rả, con đường ngập lai láng. Bên mái hiên nhà đối diện với quán nước của bà, có ba cha con đang run rẩy vì lạnh. Người đàn ông bế trong lòng đứa con gái nhỏ, bên tay dắt theo đứa con gái lớn hơn một chút. Cái dáng gầy gò và ảo não hệt người chồng của bà. Bà nheo cặp mắt lại nhìn cho kỹ hơn, sao mà quen quá. Bất chợt đứa em họ nhảy cẫng lên, vẫy tay lia lịa.
- Anh Tâm ơi! Đứng đó đi, em mang ô cho.
Lúc này, bà mới ngớ người ra. Bao lâu rồi bà không nhìn ngó đến chồng. Chiếc ô chao đảo theo từng cơn gió, dòng xe cộ vẫn không ngưng nghỉ. Ai cũng muốn phóng nhanh để tránh cơn mưa chiều. Từng làn nước phun tóe lên, ông Tâm ôm chặt đứa con út trong lòng và ghì tay đứa con kế sát hông. Cái lóng ngóng, vụng về của ông làm bà động lòng. Một chút ray rứt, ân hận lẩn vào tâm trí.
Sau những ngày “cửa đóng, then gài”, đêm nay bà quyết định vào phòng chồng để ăn năn, nhận lỗi. Bà rón rén như con gái mới về nhà chồng. Bà đặt lưng xuống chiếc nệm, nghe tiếng động, ông Tâm quay lại. Ông liếc nhìn vợ và ngoảnh vội mặt đi. Biết sự có mặt của bà song ông không ừ hử lấy nửa lời. Đây phải chăng là một sự trừng phạt? Bà nhắm chặt mắt, hai giọt nước tuồn qua hàng mi, chảy dài xuống tận gối. Suốt một đêm dài, ông Tâm không có lấy một cái cựa mình. Hai vợ chồng nằm bên nhau như hai khúc gỗ. Những ngày sau đó, tình hình cũng không khả quan hơn. Bao nhiêu hờn tủi dồn nén trong lòng, bà Tâm gào khóc.
- Anh làm vậy là để trả thù tôi ư?
Cột chặt sợi dây dày, ông Tâm trả lời với giọng thiểu não.
- Tôi đã quá mệt mỏi rồi. Nếu cô xem việc vui vẻ với tôi như một cách quên đi người tình trong những ngày xa vắng hay một sự trả ơn thì thật thừa thải và vô ích.Tôi không muốn bất cứ sự tổn thương nào nữa.
Bà Tâm nín lặng. Có một khoảng cách vô hình chặn ngang cánh cửa tâm hồn giữa hai vợ chồng. Ông Tâm với lấy chiếc mũ, bước vội vã ra khỏi nhà. Và không quên dặn vợ ký vào tờ đơn li dỵ. Bà nhẩm đọc tờ giấy lạnh lẽo vô hồn trên bàn rồi tự hỏi lòng phải chăng là sự quả báo. Bà nghĩ đến tình nhân cũ, đêm qua mới gọi điện xin ít tiền trang trải nợ nần. Hắn mà nợ gì ngoài cái đám cưới long trọng sắp diễn ra. Bà đã vuốt mặt không kịp khi hứng trọn những lời thoá mạ từ cú điện thoại gọi về nhà cha mẹ hắn. Đúng là kẻ không còn lòng tự trọng. Bà tự cười mình yêu đến ngu dại. Mà chưa hẳn đã là một tình yêu. Không phải ai bước vào vườn hồng cũng hái được hoa hồng, đôi khi họ bị lạc lối ngay trong khi đi tìm những bông hoa ấy. Bà đã ngộ nhận một tình yêu hay sự ham muốn bản năng không kiềm chế được.
Ngoài cửa sổ, mưa rào rào, từng bông hoa giấy cụp xuống. Hình ảnh ba cha con lội mưa nhòe nhoẹt trong trí nhớ. Bà đưa tay quẹt nước mắt. Một cái giá quá đắt cho cuộc phiêu lưu tình ái bên ngoài.
N.N (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét