Chị, ba sáu tuổi mới có được “bến đỗ”.
Hồi trước, năm ba lần những người đàn ông yêu thương thật lòng, có nhiều yếu tố của người chồng, người cha tìm đến với chị. Cũng dăm ba lượt con tim chị xao xuyến yêu thương nhưng tính tới việc cưới xin thì mẹ chị đều bật bóng đèn 500kw “soi” anh ta rất kỹ để cuối cùng là cái lắc đầu.
Hai lăm tuổi, chị là thợ may có tiếng trong xã, anh hai bảy tuổi là thợ hồ với thu nhập của “thợ nhất” rất ổn định. Anh không nhậu nhẹt, bài bạc gì. Nhưng… anh lại là con trai duy nhất của gia đình. Mẹ chị sợ mai này con gái mình sẽ khổ vì chuyện làm dâu. Vậy đám cưới không diễn ra dẫu anh năn nỉ thế nào.
Ba mươi tuổi. Chị vẫn là cô thợ may với chục học trò. Một anh nhân viên điện lực đến xin “đăng ký” làm học trò của cô giáo dạy may bằng điều kiện “suốt đời tôi chỉ học cô thôi”. Anh không là con trai duy nhất, không bài bạc rượu chè, thu nhập cũng ổn định nhưng bây giờ mẹ chị lại thêm “điều kiện” phải ở rể vì lý do bà chỉ có… 3 đứa con gái. Anh một bước “đàng sau quay” vì bảo mình dư sức tạo nhà cửa cho vợ, thân trai ở rể như cá mập nuôi hồ kính.
Hai đứa em chị lần lượt ra trường đi làm. Chúng bay nhảy nhiều, quen nếp sống phố thị nên không “chịu phép” mẹ như chị. Chúng công khai chìa giấy đăng ký kết hôn rồi mới tính tới chuyện cưới hỏi. Mẹ chị “ngậm bồ hòn làm ngọt” và bao nhiêu hi vọng về một đứa con rể vừa ý mẹ đều “trông cậy” vào chị. Chị không dám “vượt khung” như em mình, dù sau chị cũng còn chục đứa học trò, sợ chúng nhìn vào sẽ mất “tín nhiệm”. Ba ba tuổi, chị lại có người tính kết chuyện trăm năm. Anh đủ các điều kiện như hai chàng “rể hụt” trước. Nghĩa là: không phải con trai duy nhất và chấp nhận ở rể. Nhưng lần nữa mẹ chị lại “khuyến mại” thêm điều kiện mới: phải cất lại cái nhà bà đang ở thành ngôi nhà hai tầng nóc Thái thì hôn lễ sẽ diễn ra nhanh chóng “Vì nhà này mai mốt cũng vợ chồng con sống chứ ai”. Anh làm gì có được hàng trăm triệu như thế? Chị tiếc tình khóc chết lên chết xuống rồi cuối cùng an ủi mình bằng câu “bên tình bên hiếu làm sao so bì”.
Ba lăm tuổi, mẹ mất. Chị bỏ tiệm may đi làm nhân viên khai thác bảo hiểm. Lúc đó “nghề” này còn chưa bão hòa nên chị có nhiều hợp đồng, đủ ăn đủ mặc. Lấy chồng ngay năm 36 tuổi, là một đồng nghiệp. Thu nhập từ nghề bảo hiểm vợ chồng dư sống và sinh liền tù tì hai đứa con trong năm ba bảy và ba tám tuổi. Nhưng sau đó vài năm, nghề bảo hiểm chớm bão hòa. Chồng chị không còn khai thác được hợp đồng nữa, cộng với sự bao bọc lưỡng của vợ thành ra ỷ lại, bao nhiêu tiền bạc đều đổ vào rượu và các mối quan hệ lăng nhăng. Chị “không chịu được nhiệt”, chia tay cái rột sau bốn năm làm vợ. Rồi về “đầu quân” cho một thương hiệu trà thảo dược do bà chị dâu của tôi làm giám đốc.
Tôi ngoài công việc ở một cơ quan hành chính thì làm bán thời gian cho bà chị dâu Giám đốc, mảng khai thác thị trường do chị làm trưởng phòng. Bà chị bảo, tại tuổi tôi hợp với cung “lợi khẩu” nói năng thế nào cuối cùng cũng lọt lỗ tai người nghe nên phụ trách mảng khai thác là hợp lý nhất.
Chị điện thoại cho tôi “Hôm nay chị đi Củ Chi khai thác thị truờng được 1 đơn hàng hơn 20 triệu. Nhưng đường xa, đi chung với vài chị em trong phòng kinh doanh thì về sẽ chia hết tiền lời. Vậy nên chị đi có một mình. Nhưng ai trong phòng hỏi thì em vui lòng nói giùm là em đi với chị nghen!”. Tôi nhận lời chị đơn giản vì mình là “cấp dưới”. Đây lại là lần đầu tiên chị nhờ, không cách nào thoái thoát bởi đơn giản chỉ là một câu “Dạ”.
Nhưng sự việc không suôn như chị nghĩ khi sáng hôm sắp giao hàng thì chị bị Phó giám đốc không cho lấy hàng bởi chị đã “ký sổ” mấy lần rồi vẫn chưa thanh toán. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu chị bỏ đơn hàng đó, hoặc năn nỉ một chút chắc bà Phó cũng xiêu lòng. Đàng này chị đùng đùng bỏ về, còn hùng hổ nói sẽ bỏ việc công ty, ra làm chuyện khác cũng dư sống. Tôi thương chị, tuổi năm mươi rồi, tìm việc khác có dễ như lời nói?
Bất ngờ tối hôm đó, chị điện thoại cho tôi rằng “Em ơi, cái đơn hàng ở Củ Chi đó, chị đã chi cho người giới thiệu 500 ngàn và làm bảng hiệu tặng họ hết 500 nữa. Số tiền đó không nhiều nhưng cũng khó kiếm. Nhất là nếu không giao được thì uy tín chị sẽ giảm sút, vì ký hợp đồng sao không có hàng giao? Thôi, em đã lỡ nói là đi với chị, mà em cũng là em chồng bà giám đốc, nên xin em giúp chị lần này, em hãy nói với Giám đốc rằng đơn hàng đó, chị Tuyến bỏ thì cho em nhận, em giao cho khách. Được như vậy, uy tín chị không mất đi, mà tiền đã chi cũng không uổng. Khi giao hàng rồi, tiền lời 2 chị em mình chia”.
Thật sự thì tôi thương chị chứ không hẳn vì ham mấy đồng lời của chuyến hàng đó. Làm việc với nhau nửa năm nay, chị chức danh Trưởng phòng, tôi chỉ là nhân viên làm việc bán thời gian nhưng chị không “ăn hiếp” chị em làm việc cũng "ăn ý". Hoàn cảnh chị cũng đáng thương: công ty bảo hiểm- nơi chị làm việc hơn mười năm nay- sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì “rút” về công ty mẹ, bỏ lại các nhân viên bản địa với số nợ lút đầu. Chị là người trực tiếp nhận tiền của khách hàng nên họ cứ nhè chị mà níu lưng. Ra tòa mấy lượt, chị bán đổ bán tháo tài sản để trả họ, bây giờ ở cái tuổi đáng ra đã bình yên thì phải bôn ba mưu sinh nuôi hai đứa con khi chồng bỏ đi và để lại một mớ "di sản... nợ" khá nhiều.
Bà chị dâu Giám đốc đồng ý ngay khi tôi lên tiếng nhận chuyến hàng đó. Nhưng tôi thật sự lúng túng khi trò chuyện với kế toán để được nhận hàng bởi cảm giác xấu hổ của kẻ nói dối cứ “kín đầu hở đuôi”. Kế toán hỏi, đơn hàng gần 20 triệu gồm những gì? Trả lời xong, lại hỏi cái này là bỏ cho cấp xã hay huyện, chị Tuyền có nói sẽ tính cho họ phần trăm như thế nào không? Tôi thật sự không biết nên trả lời kế toán “không biết”. Cô ấy hình như vẫn đùa dai nên bảo: “Sao chị không biết nhiều quá vậy?”. “Vì lần đầu làm một mình, lại làm theo hướng dẫn của chị Tuyền nên chị bảo sao, tôi làm vậy”. Hú hồn. May mà kế toán chắc mệt rồi nên không hỏi nữa. Đơn hàng lãnh xong, ra đầu đường thì a lô cho chị nhận mang về. Lòng tôi phấp phới niềm vui vì giúp cho người được một việc tốt.
Thế nhưng sáng thứ 2 giao hàng mà chiều chủ nhật chị vẫn chưa gọi cho tôi biết thời gian cùng xuất phát. Tôi nôn nóng bởi đơn hàng vẫn là mình “ký sổ”, hẹn với kế toán 11 giờ trưa sẽ nộp tiền. Giờ chị chưa quyết định lịch trình, sao mà về kịp? Tôi bảo, muốn đi cùng chị giao hàng, để mai này lỡ có gặp “sự cố” như thế nữa thì nói dối kế toán cũng trơn tru. Chị đồng ý. Vậy mà khi gặp nhau lại chở tôi đi vòng qua chợ Long Hải, tôi hỏi, đi giao hàng ở Củ Chi, sao lạ thế? Chị bảo “Em ngu quá, đi gần nhưng nói đi xa vậy công ty mới chi phần trăm cao!”. Tôi ngớ người, dạ sáng rừng rực vì một bài học quá đắt lại được thọ giáo trong ít phút mà không mất đồng xu lẻ.
Nhưng sau khi đến Long Hải một đoạn thì chị có điện thoại và rối rít bảo tôi phải quay về bởi có khách hàng mới đang chờ tư vấn ở cà phê ABC. Chị sẽ đi nhanh về chóng để kịp giao tiền tôi nộp kế toán. Tôi dấm dẳng “Sao chị đã đồng ý cho em đi chung rồi? Khách hàng đó hẹn hôm sau tư vấn cũng được mà?” Chị bảo, làm ăn phải biết chớp thời cơ, đã có khách cần tư vấn mà khất hẹn, là… dâng mồi cho cọp đó biết không?
Rồi chị đi. Từ 9 giờ sáng cho lộ trình 100km của hai chuyến đi - về mà những 6 giờ chiều mới về tới! Và thế là tôi cũng thất hẹn với kế toán công ty bởi cách làm việc rất ư “trách nhiệm, uy tín” của chị. Đau lòng hơn, vừa gặp nhau, chị nói “Chuyến hàng này lỗ te tua luôn! Chị quên, hôm bữa phải nhờ chị Hoa hay chị Hương lấy hàng cho chị là được rồi. Nhờ em làm chi cho phiền quá, em còn con nhỏ phải lo. Nè, em nhận 200 ngàn đi!”
Tôi chết sững nhưng cũng muối mặt nói rằng “2 ngày nay em chạy hàng cho chị tốn kém lắm, chị cho em 100 ngàn nữa đi, bao nhiêu đây không đủ!”. “Vậy giờ em muốn nhiêu? Tôi bị lỗ, đưa như vậy, em không lấy thì thôi”. Tất nhiên tôi không nhận.
Bảo với bà chị dâu Giám đốc, rằng tôi sẽ nghỉ làm nhân viên bán thời gian. Bà chị lại nói, tuổi tôi hợp cung “lợi khẩu”, công việc đang trơn tru thế, sao nghỉ ngang? Nay mai chị định rút em về văn phòng mảng tư vấn qua điện thoại chứ không còn đi khai thác nữa. “Thừa trong nhà mới ra ngoài đường”, sao tự dưng bỏ việc. Tôi buồn. Không biết nói sao. Nói thật đã dở, nói dối càng dở hơn. Thôi thì nói đại, tại công việc em nhiều quá.
Dạo này chị vẫn đi khai thác thị trường, công việc không thay đổi, nghĩa là chị không bỏ việc như lúc hùng hùng hổ hổ hôm nào. Bởi cái ăn, cái học, cái chi tiêu của hai đứa con vẫn oằn vai chị. Hôm kia, ngồi cà phê ở ABC gian này, thấy gian kia chị đang tư vấn khách về phần trăm những đơn hàng. Hình như cô bé nhân viên mới vừa vô hôm tôi vừa sắp nghỉ, nay đang đi cùng chị. Lại lo, không biết cô bé có là tác nhân làm chị tiếp tục lỗ chuyến hàng như tôi làm không.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét