Nhà thơ Bùi Đức Ánh
Cái tuổi quá lục tuần, thường người ta ngơi nghỉ. Riêng thi sĩ Bùi Đức Ánh thì lại khác. Ông “say” thơ và viết rất khỏe! Vậy nên chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm, Bùi Đức Ánh đã cho ra mắt đến 4 đầu sách…
Nhà thơ Bùi Đức Ánh sinh 1949 tại xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, tốt nghiệp trường Đại học Tài chính Kế toán năm 1979. Trước năm 1975, ông từng dạy học tại trường Trung học Hưng Đạo Sài Gòn, sau đó về dạy tại các trường Trung học Hùng Vương, Bồ Đề, Kim Thông tỉnh Quảng Ngãi. Sau năm 1975, ông công tác tại Sở thuế TP.HCM. Sau ngày nghỉ hưu, ông tập trung cho công việc sáng tác. Tuổi tuy khá cao nhưng nhà thơ Bùi Đức Ánh vẫn còn rất say đắm với văn chương, anh viết khỏe và đều đặn trình làng những tác phẩm mới của mình. Thơ văn của anh có sức hấp dẫn và mang đến cho người đọc những điều đáng suy ngẫm.
Mới đây, thi sĩ Bùi Đức Ánh đã trình làng tập thơ thứ 3 mang tên “Đo chiều dài mùa đông”. Một cái tên nghe rất gợi và lãng mạn. “Mùa đông dài bao nhiêu”? – 3 tháng ư? Với Bùi Đức Ánh, mùa đông có thể rất ngắn, chỉ: “Một cơn mưa/ Một trận gió/ Hay một nỗi nhớ thầm?”… Trong những khắc khoải nhớ về người mình yêu: “Anh không thể nào đoán được ngày xa em/ Cái rét lại đến cồn cào như thế/ Anh mặc thêm áo ấm/ Vẫn thấy lạnh trong từng niềm bâng quơ”… Nhưng mùa đông cũng có thể rất dài, dài vô tận, không thể đong đếm: “Anh ngồi lại căn phòng vắng em/ Đo chiều dài mùa đông bằng mong ngóng…”. Đọc những câu thơ, ta nhận ra với thi sĩ Bùi Đức Ánh, sự xa cách người mình yêu như nỗi cô đơn nghìn trùng, như sự xa xót, cồn cào bất tận vậy.
“Đo chiều dài mùa đông bằng… mong ngóng” – một thước đo chỉ có người thi sĩ dùng. Tình tứ, chất chứa và đẹp mê hoặc…
Giọng thi sĩ Bùi Đức Ánh trẻ trung thế, mãnh liệt thế, lửa yêu bập bùng, hừng hực đến thế, tưởng đâu người còn trẻ, tóc còn xanh. Hóa ra lại khác, thi sĩ… già rồi! 66 tuổi còn gì! Và khi cầm trên tay đến 3 tập thơ, 1 tập truyện ngắn của Bùi Đức Ánh tôi mới hiểu, ông đúng là “một gã say thơ”, một thi sĩ “tóc tuy đã bạc mà hồn mãi xanh”.
Nói Bùi Đức Ánh “say” thơ rất đúng. Ông yêu thơ, viết thơ từ cái thời còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Trên bục giảng, khi là ông giáo, Bùi Đức Ánh cũng làm thơ, đọc thơ, ngâm thơ cho học trò nghe. Giờ khi về hưu, tóc bạc, Bùi Đức Ánh vẫn ngày ngày, đêm đêm cày cuốc cùng những con chữ trên “cánh đồng thi ca” diễm lệ. Có “say”, có “xanh đời” nên Bùi Đức Ánh mới có thể mỗi năm ra một tập thơ: “Thong dong ký ức” – 2012, “Biển không em” – 2013, tập truyện ngắn “Người đàn bà bên bếp lửa” – 2014 và “Đo chiều dài mùa đông” – 2015. Sở dĩ người viết dẫn ra tập truyện ngắn là vì trong truyện, thi sĩ Bùi Đức Ánh cũng rất thường lồng ghép những câu thơ của mình vào. Đó là chưa kể, tháng 7 này, ông lại ra mắt tập tạp văn “Dưới ánh trăng ấm áp”. Đáng nể thật!
Và cũng có lẽ, do Bùi Đức Ánh quá say thơ nên nhiều khi đọc thơ ông, tôi có cảm giác Bùi Đức Ánh viết vội (hay do tôi khó tính chăng?!). Bởi trong nhiều bài thơ của Bùi Đức Ánh, tôi có cảm giác có rất nhiều từ lặp đi lặp lại, đọc nghe… quen quen! Hay đó là phong cách của ông? Để cảm xúc tuôn trào và ông cứ vậy nhả vào con chữ thật tự nhiên, dung dị, không cần phải chỉn chu, màu mè, hoa lá! Tôi sẽ không nói nhiều về điều này. Đơn giản, với một người yêu thơ, hết lòng với thơ như Bùi Đức Ánh thì rất đáng mừng, đáng trân trọng. Phải có một tâm hồn đẹp mới có thể viết ra những dòng tâm sự vốn đã vương mang từ thuở thiếu thời, mãi đến khi tóc đã bạc rồi mà mỗi khi nhắc lại lòng vẫn cứ rưng rưng.
Viết về bất kỳ đều gì cũng vậy, Bùi Đức Ánh hay viết bằng thơ, viết say sưa, viết miệt mài. Người ta bảo Bùi Đức Ánh say thơ là phải!
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét