Người ta nói đời người con gái đẹp nhất ở tuổi trăng tròn. Tôi không nhớ tôi đẹp nhất khi nào? Tôi chỉ nhớ. Tôi thường xuyên bị ám ảnh bởi những đêm trăng xanh xao trên cánh đồng trơ gốc rạ. Tôi sợ những ngày rằm có trăng.
Mẹ tôi thường ngồi ngơ ngẩn trước hiên nhà. Tóc bà xõa dài lê thê như rễ cây si. Bà nhìn trăng rồi nhẩm hát khe khẽ. Giọng bà trong veo vẻo. Thi thoảng bà ngúc ngắc cái đầu như đứa trẻ đang tập múa. Bà từ từ luồn tay sâu vào từng lọn tóc xơ cứng như rễ tre. Bà giật những sợi tóc sâu quăn tin tít. Mẹ giữ thói quen ấy suốt nhiều năm liền. Tôi nghe người dì lầm bầm dặn dò. “Mẹ con có nhiều chuyện buồn nên lúc nào cũng vò đầu, bứt tóc suy nghĩ. Con phải luôn ở gần để an ủi mẹ”.
Mẹ có một núi tâm sự ở trong lòng nhưng có một điều rất lạ là mẹ chẳng bao giờ chia sẻ điều gì với tôi. Mẹ như một bức tượng, xanh xao và hao mòn vì buồn sầu. Cứ vậy, tôi lớn lên trong sự lạnh nhạt của mẹ. Những hôm tôi đi bắt cua về trễ, mẹ ở nhà gọi tên tôi vang vọng cả xóm. Gọi mãi không thấy tôi đáp lại. Mẹ lẳng lặng ra sau vườn, chặt sẵn 2 cây roi mây thật dài. Mẹ đem về cài trước cửa. Về đến nhà như người sắp bị tử hình nhìn thấy sợi dây treo cổ, tôi hoảng vía, đánh rơi giỏ cua trên tay. Những cây roi lằn khắp da thịt, nước mắt tôi khe khẽ rơi. Nhưng ngó nghiêng gương mặt mẹ, tôi thấy những giọt nước mặt nhỏ dài trên hai gò má bà. Sau trận đòn nhừ tử, mẹ không thèm nhìn mặt tôi. Suốt đêm bà chỉ nằm quay mặt vào vách.
Sáng hôm sau mọi thứ lại trở về như cũ. Bà quấn lại mớ tóc dài rối rắm. Mặt bà lạnh như chiếc trống đồng. Bà im ỉm vác cuốc ra đồng. Tôi lẽo đẽo chạy theo sau. Nhà không có ruộng, quanh năm suốt tháng, tôi và mẹ chỉ biết đi làm thuê. Mẹ dạy tôi làm mọi việc từ nấu ăn, cắm câu, quăng lưới, vác lúa… Đôi khi tôi không biết tôi là con trai hay con gái? Trừ mẹ ra, tôi không có một người bạn nào là nữ để so sánh. Mẹ tôi cũng không giống những người phụ nữ bình thường. Bà phì phèo thuốc lá và tu rượu tì tì mỗi đêm như những gã đàn ông tôi nhìn thấy trong xóm. Ở đây, không có đứa con gái nào bằng tuổi tôi. Tuy có đám con trai lóc chóc, ngày ngày mò cua, bắt cá gần nhà tôi. Nhưng mẹ không đời nào cho tôi giao du với mấy thằng đó. Tôi còn nhớ rất rõ, một ngày mưa lất phất, tôi đi suối cắm câu. Trời nhập nhoạng tối, tôi bì bõm lội dưới dòng nước đục ngàu. Ở những chỗ có đá chắn, nước ùng ục sôi lên như miệng núi lửa phun phèo phèo dung nham. Mớ cần câu trên tay tôi ngày càng nặng trĩu. Bạn có bao giờ ở một mình giữa dòng suối vắng lặng lúc trời tối chưa? Cái cảm giác đó thật khủng khiếp. Tôi sợ hãi chỉ chực gào thét, khóc lóc khi nhìn thấy bất cứ vật gì khác thường hiện ra. Đôi khi đó chỉ là một cành cây lòa xòa xuống mặt nước. Tôi cắm dày sin sít cho nhanh hết những chiếc cần tre cong cớn trên tay. Khi chiếc cần cuối cùng cắm vô hốc cây. Tôi ngẩng lên. Mặt tôi trắng xát, có cắt cũng không ra máu. Một bóng đen động đậy. Nó nhấp nhô như đám lúa gặp trận gió to. Tôi đứng im như bị đóng cột. Tôi thở bằng nửa hơi. Mồ hôi rịn ra áo, nhỏ từng giọt xuống mắt tôi. Cái bóng ấy đang xụt xịt đánh hơi thì phải. Hình như nó đã thấy tôi. Nó tiến lại gần. Tôi không thở được nữa. Ngực tôi nặng trĩu, phập phồng. Tôi vùng chạy. Hai chân va vào nhau. Tôi ngã soài dưới nước. Nước mắt tôi tràn ra, hòa vào dòng nước suối lờm lợm mùi bùn tanh. Tôi vùng dậy. Chạy. Đó là ý nghĩ đầu tiên và duy nhất thúc giục tôi. Khi sợ hãi, người ta trở nên nhanh nhẹn và mạnh khỏe hơn. Nước kêu bành bạch dưới chân tôi. Tôi thở hồng hộc khi đã lên tới bờ. Như người trong tích tắc vừa trải qua cơn nguy kịch, tôi khóc nức nở. “Nếu thấy sợ, cậu hãy gào to lên chứ đừng khóc eo éo như con mèo”. Tôi giật bắn người khi nghe giọng nói oang oang bên tai. Chiếc bóng đen mà tôi sợ thì ra là gã hàng xóm. Hắn ngoác miệng cười ngạo nghễ. Hắn trấn an tôi bằng việc đưa tôi về tận nhà.
Mẹ đợi tôi trước cửa. Bà chẳng bao giờ kiếm tôi. Bà luôn đợi tôi vác xác về để hỏi tội. Mặt mẹ tôi đanh lại như ca nước đông đá. Còn mặt gã hàng xóm thì nhợt nhạt. Gã đi khúm núm. Gã để tôi trước cửa. Gã nhanh chóng hòa tan trong màu đen của đêm. Tôi rùng mình khi thấy chiếc gậy trong tay mẹ. Không bao giờ mẹ nghe tôi giải thích. Mẹ vụt gậy lia lịa vào người tôi. Âm thanh vun vút, liếm vào da thịt tôi sắc lèm lẹm. Toàn thân tôi rát reo réo, nóng rừng rực như có lửa cháy trên người. Tôi không gào lên. Chỉ có nước mắt rượt nhau chạy. “Tao dặn bao nhiều lần là không được lại gần bọn đàn ông. Sao mày không nghe lời? Đồ ngu ngốc”. Khi nào cũng vậy, mẹ chỉ đay đi nghiến lại từng đó câu nói. Mẹ không giải thích thêm điều gì. Tôi không biết vì sao mẹ cấm tôi lại gần những gã đàn ông. Bất kể họ già, trẻ, lớn bé. Lâu dần, tôi cũng thôi không thắc mắc điều đó nữa. Nhưng có một điều mẹ không bao giờ hiểu. Điều gì mẹ càng cấm lại khiến tôi càng tò mò. Tôi vẫn âm thầm tiếp cận lũ con trai đồng trang lứa. Những ngày câu cá, bắt cua, chúng tôi chơi đùa như những người bạn thực sự. Tôi không thấy con trai khác biệt với tôi. Có thể, vì tôi không có một người cha và một người mẹ chung một mái nhà để so sánh. Đôi lần tôi cảm tưởng tôi lệch lạc cả về giới tính và tính cách. Tất cả chỉ cách nhau một ranh giới rất mờ.
Dạo gần đây, tôi thấy cơ thể mình phổng phao hẳn ra. Hai hột nhỏ ở ngực nhô ra như hai hạt đậu đang từ từ đùn đất chui lên. Trên mắc áo của tôi, mẹ đã treo lên hai chiếc áo lá chằng chịt đường chỉ may tay. Tôi hạnh phúc với những ngày đầu làm thiếu nữ. Những khi ra đồng bắt cua, lâu lâu tôi cúi thấp, nhìn sâu vào cổ áo. Tôi ngắm chiếc áo lá trắng phau phau trong làn áo mỏng tanh. Ông già Lai bắt ốc gần chỗ tôi, cười gằn. Giọng ông khàn đặc khói thuốc rê. “Con gái lớn nhanh quá. Chừng nào lấy chồng nhớ mời ông già này vài li nghe con”. Tôi bối rối, làm thinh. Ông già Lai cười khành khạch. Người ông thấp đậm, già nhưng vẫn giữ vẻ chắc nịch của một lão nông. Từ những ngày nhỏ, tôi đã giấu mẹ theo ông đi bắt cua. Tôi thích bắt những con cua nhỏ, bò lổn ngổn dọc hai bờ mương. Ông già Lai lại thích móc hang cua. Có lần ông bắt được cả đôi tình nhân cua trong một chiếc hang sâu hoắm. Hôm khác, ông kéo từ từ trong hang ra một con rắn nước trơn lùi. Tôi rùng mình vụt chạy. Ông già Lai nhìn theo cười ha hả. Chiến tích bắt cua của tôi để lại trên đôi tay gầy guộc là những vết sẹo đủ hình thù. Đầu ngón tay trỏ, một vết sẹo kẹp ngang lõm sâu vào bên trong. Đó là vết sẹo đầu tiên khi tôi tập móc hang cua. Con cua đực kẹp chặt, tôi ngốc nghếch cố giật nó ra khỏi ngón tay. Cái càng của nó như hai chiếc gọng kìm nghiến ngấu vào da thịt tôi. Tôi la oai oái. Máu ở đầu ngón tay nhỏ tong tỏng xuống ruộng. Ông già Lai vứt cần câu, chạy lại. Ông nắm tay tôi dúi nhanh xuống mương nước. Con cua nhanh chóng nhả ngón tay tôi ra. Nó bỏ được nửa vòng, ông già Lai đập bẹp dí. Trưa hôm đó, ông già Lai nướng cho tôi một dĩa càng cua thơm phức. Ông còn trút thêm nửa giỏ cua cho tôi đem về. Đôi lần, tôi cảm tưởng ông già Lai là cha ruột của tôi. Ngày mẹ tôi còn trẻ, trong một đêm trăng sáng, mẹ một mình gặt lúa ngoài đồng. Bà bị người ta cưỡng hiếp rồi có bầu và sinh ra tôi. Vài cặp vợ chồng trong xóm bắt đầu lục đục cãi nhau. Các bà nghi ngờ chồng mình là chủ nhân cái bào thai. Nhưng chẳng ai chịu nhận. Tôi lớn lên trong sự dè dặt của những người đàn ông và sự ghẻ lạnh của những người đàn bà trong xóm. Duy chỉ có ông già Lai luôn âm thầm giúp đỡ tôi.
Tôi không dám nói cho mẹ biết về ông Lai. Tôi không dám hỏi bà, ông Lai có phải là cha ruột của tôi không? Mẹ và tôi luôn có một khoảng cách. Tôi giấu tất cả vào trong lòng và âm thầm đi tìm bí mật. Một buổi chiều, trời mưa rả rích. Mẹ tát tai tôi khi bà biết tôi hay đi bắt cua với ông Lai. Mẹ đánh tôi như khi tôi còn nhỏ. Lần đầu tiên, mẹ đánh. Tôi khóc thành tiếng. Tôi đội mưa chạy sang nhà ông Lai. Ông ở một mình. Trong nhà bừa bộn, hoang vắng. Ông nhóm bếp, xâu những chiếc càng cua lên nướng. Hai con mắt tôi vẫn còn nhấp nhem nước. Tôi ngồi rụt rè. Có cái gì chèn ngang cổ họng, giọng tôi nghèn nghẹt không ra tiếng. Ý nghĩ ông già Lai là cha đã thúc ép tôi đặt ra những câu hỏi. “Con…”. Tôi ấp úng, lưỡi líu lại. Ông Lai nhìn tôi cười khây khẩy. Tôi lấy hết quyết tâm. “Ông có phải là cha ruột của con không?”. Nước mắt tôi bắt đầu ứa ra, lấp đầy hai hốc mắt. Tôi hồi hộp chờ đợi. Ông già Lai im lặng. Ông lật trở những chiếc càng cua. Tôi sốt ruột. Lần này, ông ngẩng lên nhìn tôi. Khuôn mặt ông lạnh tờ. Đôi mắt không để lộ bất kỳ cảm xúc nào cả. Miệng ông mấp máy âm thanh khét rẹt. “Sao tôi lại là cha của cháu được chứ. Tôi không đổ vỏ ốc cho kẻ khác đâu”. Tôi rơi vào cảm giác hụt hẫng như người bước vội bị kẹt chân dưới hố. Nước mắt tôi giàn giụa khắp mặt. Tôi tự đánh lừa bản thân bởi ý nghĩ ông Lai là cha ruột. Khi nhận ra chính tôi lừa gạt bản thân tôi. Lòng tôi nặng nề như đang vác những bao đá. Bếp lửa tàn lụi dần. Tôi gượng đứng dậy. Bất giác, ông già Lai quay về phía tôi. Trong ánh mắt ông có cái gì đó rất lạ lùng. Linh cảm của một người thiếu nữ cho tôi biết điều chẳng lành. Ánh mắt ông sắc nhọn. Cái nhìn rà đi rà lại trên người tôi như chiếc máy rà mìn. Hai chân tôi tê cứng. Tôi xoay người định chạy. Song ông đã chụp lấy cánh tay khẳng khiu của tôi, bóp mạnh. Năm ngón tay ông bấm chặt vào đốt xương nhỏ bé. Mặt tôi méo xẹo vì đau. “Bỏ cháu ra”. Tôi thét lên. Ông túm gọn tôi trong người. Tôi tưởng như mình bị kẹp chặt giữa hai cái càng cua khổng lồ. Tôi gào thét khản cổ nhưng đáp lại lời tôi chỉ có tiếng mưa vi vút. Đời con gái của tôi đã tan theo những giọt mưa lộp bộp trên mái lá nhà ông Lai.
Từ hôm ấy, ý nghĩ ông Lai là cha ruột đã tan khỏi đầu tôi như bong bóng tan chảy dưới nắng mặt trời. Tôi không còn ra đồng bắt cua nữa. Mẹ lờ mờ nhận ra điều gì đó bất thường ở tôi. Tôi nôn ọe nhiều và thường bỏ bữa cơm. Mẹ lôi tôi vào buồng. Bà xoa xoa cái bụng tròn tròn, căng phồng của tôi. Bà hoảng loạn. Bà bật khóc. Bà nấc lên từng cơn. Tóc bà xõa ra rối rắm. Tôi kinh hãi ý nghĩ mẹ sẽ điên lên mất nếu biết tôi có thai. Bà ôm đầu rên rỉ. “Trời ơi! Thật là oan nghiệt mà. Trong mỗi thằng đàn ông đều có một con thú. Mẹ dặn con phải tránh xa họ. Sao con không nghe lời mẹ chứ?”. Tôi không trả lời mẹ. Tôi nghĩ đến con thú lồng lộn nhảy trong người ông Lai khi ông ấn tôi xuống chiếc chiếu mốc meo, hôi hám. Mẹ dạy tôi làm mọi thứ. Mẹ bắt tôi không làm điều này, điều kia nhưng mẹ không bao giờ cho tôi biết lí do. Tôi tự loay hoay trong những câu hỏi vì sao để rồi bị chính những câu hỏi ấy đè bẹp trong mớ hỗn độn tối tăm.
Đêm trăng của tuổi đẹp nhất đời người, tôi như ngạt thở bởi những cơn đau dữ dội. Tôi níu lấy thanh giường và ngỡ như khi đứa con nhỏ cất tiếng khóc chào đời sẽ là lúc tôi xa lìa thế giới này. Nhưng mọi thứ không diễn ra như tưởng tượng của tôi. Tôi làm mẹ khi vừa bước sang tuổi 16. Những đêm trăng sáng mẹ thôi không còn bị chuyện cũ ám ảnh. Mẹ thường ngồi bên nôi con tôi. Mẹ rủ rỉ kể những câu chuyện về cuộc đời của bà, của tôi. Kể về những người còn sống hay đã mất. Kể về người cha tôi chưa một lần biết mặt. Và kể về người cha của con tôi. Giọng bà nhẹ bẫng lướt thoang thoảng trong gió. Tôi nghe được nhịp thở đều đều từ chiếc nôi con con.
N.N (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét