Nhà thơ Bùi Đức Ánh
Chiếc xe đạp cũ rích đưa Long đi khắp hang cùng, ngỏ hẻm từ quận Tân Bình về Gò Vấp vẫn chưa tìm được nhà trọ thuê ở để ôn thi. Đi thêm một đoạn trên con đường Lê Lai treo tấm biển thật lớn nằm ở ngã ba “Cho thuê phòng trọ, ưu tiên sinh viên”, Long như bắt được vàng, thầm nghĩ trong bụng, có lẽ đây là điểm dừng chân. Từ đầu đường vào con hẻm cách nhau 50 mét, Long đi theo mũi tên trên tấm biển, cuối cùng Long đến trước ngôi nhà một trệt hai lầu bấm chuông khoảng 5 phút sau cánh cửa sắt mở ra người đàn ông tuổi trạc trung niên vạm vỡ xuất hiện sau cánh cửa ấy. Long chưa kịp hỏi, ông ta hỏi trước
- Cậu thuê phòng ở hả? Cậu ở một mình hay ở với bạn?
Long trả lời: “Dạ- dạ cháu ở một mình thôi chú à”.
Người chủ nhà trọ nhìn Long từ đầu đến chân như dò xét có phải học sinh, sinh viên không? Hay đồ “Ma quỷ”. Chết toi. Hình như ông ta hiểu Long. Nét mặt còn non choẹt, búng một cái nhẹ thôi ra toàn sữa… Ông ta đưa mắt nhìn dãy nhà trọ đối diện ngôi nhà đồ sộ của ông, trong đôi mắt chăm chăm ấy như tìm kiếm một người nào, còn miệng hỏi Long
- Quê cháu ở đâu vậy? Cháu thuê nhà ở đi học hay đi làm?
Long thấy vui vui khi chủ nhà trọ có sự quan tâm đến khách nên Long thao thao bất tuyệt:
- Dạ thưa chú! Quê cháu ở tận ngoài Trung, vùng đất khô cằn sỏi đá mọi người hay bảo: Chó ăn đá, gà ăn muối, quanh năm còn bị thiên tai hạn hán , bão lũ nên cháu thấy buồn và thương dân nghèo trên quê hương của cháu, cháu không biết mình phải làm gì? Ngoài một việc học, học thật giỏi với ước mong cháu thi vào đại học kinh tế, chú à”.
Long tính nói tiếp, tự nhiên Long giật mình từ miệng của chủ nhà trọ
- Cậu này sao lắm mồm vậy! Nói nãy giờ tôi chưa nắm được cậu là người của tỉnh nào? Miền Trung – miền Trung phải có tỉnh chứ? Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận đổ ra là miền Trung rồi. Huế hay Quảng Bình, Quảng Ngãi.
Nhìn ông chủ thuộc típ người nóng nảy Long sợ phật lòng ổng đổi ý, chết tiệt công tình đạp xe đi bao nhiêu cây số rồi, nên Long cười hề hề rồi đáp:
- Dạ thưa chú! Quê cháu Quảng Ngãi chú ơi!
Tới lúc này Long mới thấy nét khó chịu trên mặt của ông ấy không còn nữa. Ông đưa tay vào túi áo móc ra gói thuốc lá 3 con 5, tay phải cầm gói thuốc, tay trái bật quẹt ga đưa điếu thuốc lên môi rồi hỏi Long
- Chú mày có hút không làm một điếu cho thơm râu?
Long trả lời:
- Con không biết hút chú ơi! Con cám ơn chú.
Ông ấy rít một hơi thật dài rồi vào ngay câu chuyện:
- Còn một căn nhỏ 10 mét, có cả gác nữa vậy coi như 20 mét. Công trình phụ ở dưới và để xe. Phần trên gác học và ngủ. Sinh viên ở vậy là tốt lắm rồi. Chú tính cháu một triệu hai trăm ngàn đồng. Điện nước chú bao, rồi từ từ kiếm thêm một người nữa vào ở số tiền chia đôi, chú em đỡ bớt phân nửa , nếu đồng ý đưa giấy chứng minh chú đăng ký tạm trú ở đỡ, rồi ghi địa chỉ của chú gửi về quê xin tạm vắng. Nhớ bảo người nhà ở trọ để ôn thi đại học nhé! Vì như thế dể dãi cho đôi bên.
Long vui quá dạ một tiếng thật lớn. Chiều hôm ấy Long về lại nhà người bạn lấy quần áo và sách vở vỏn vẹn một chiếc va ly nhỏ, trong ấy còn hai bộ đồ và số sách giáo khoa chuyên luyện thi đại học.
Những bữa cơm chính của Long đều là mì gói cả, khi nào quá ngán đổi sang phở gói, giá từ 3 đến 4 ngàn một gói, Long tiết kiệm tối đa. Mặc dù ba mẹ ở quê gửi cho Long đầy đủ tiền ăn, thỉnh thoảng gọi điện bảo phải ăn uống ngon ngon một chút để có sức mà thi đậu. Long dạ dạ cho qua, sợ ba mẹ lo lắng.
Một hôm đang ngồi học bài, tự nhiên trời đổ cơn mưa lớn. Lúc ấy hơn 11 giờ đêm. Phòng trọ của Long nhìn thẳng ra cửa chính. Tất cả những khách trọ nhà chú Bảnh đều có chìa khóa cửa khi đi, khi về khỏi phải phiền phức tới ai. Mắt Long lóa lên bóng của người con gái. Long dụi dụi mắt tự hỏi với chính mình. “Uả, người hay ma vậy ta? Tại sao mở cửa vô khu nhà trọ này?”. Hiếu kỳ mà. Ai cũng như Long thôi. Nhìn bóng người con gái đó xem đi về hướng nhà trọ số mấy. Dáng cô gái mảnh khảnh tuổi độ bằng Long hoặc lớn một vài tuổi thôi. Nhìn theo đến khi cô gái dừng trước cửa phòng số 15 rồi cô gái thò tay vào túi sách da màu đen, móc móc gì trong túi đó. Long đoán có lẽ cô này tìm chìa khóa mở phòng đây! Suốt đêm ấy Long không chợp mắt, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt Long dù trời mưa trong đêm tối như vậy, không rõ mặt nhưng sao Long thấy như có một điều gì đó bí mật từ cô gái mà Long không thể quên để đi vào giấc ngủ tự nhiên như mọi ngày.
Sáng hôm sau. Long dậy thật sớm ra quán cà phê ngay đầu hẻm ngồi cốt để nhìn thấy cô gái của tối qua. Long gọi một ly cà phê đá với tờ báo Tuổi Trẻ đọc cho thời gian qua nhanh. Ly cà phê gần cạn, tờ báo gần như Long đọc hết chỉ còn mục quảng cáo chưa xem thôi. Bà chủ quán khó chịu khi nhìn thấy Long ngồi lâu quá. Hú hồn, mắt Long sáng quắc khi thấy cô gái đi ra, vừa đi vừa điện thoại cho ai đó. Long chỉ nghe một câu “Chú đến nhanh hôm nay cháu có việc nên đến sớm hơn mọi ngày”. Long giả vờ như người khách đi đường cố tình qua mặt cô gái và “ngắm nghía như một báu vật”. Tự nhiên cô ấy hỏi:
- Có quen không mà nhìn dữ vậy bạn?
Long hài hước trả lời:
- Có quen chứ! Quen từ tối hôm qua lúc mưa tầm tã.
Cô gái ngạc nhiên hỏi lại:
- Bạn ở gần đây sao biết tôi về trong lúc mưa?
Long trả lời:
- Đúng như vậy! Mình ở trọ nhà chú Bảnh được tháng nay, tình cờ thấy bạn mở cửa về đêm qua. Bạn cho mình biết tên nhé!
Cô gái vô tư hồn nhiên bảo với Long mình tên Kim Yến. Long lịch sự giới thiệu lại còn mình tên Long. Hai người chào nhau. Yến leo lên xe ôm chở đi. Long quay về nhà trong sự vui vẻ và nghêu ngao trong câu hát “Anh còn nợ em”.
Mãi đến tuần lễ sau, hiểu được hoàn cảnh của Long từ Quảng Ngãi vào trọ học Yến đặt biệt có tình cảm nhiều hơn, nên mỗi tối về lúc nào cũng cho Long thức ăn. Khi thì lẩu, khi thì thịt xào, khi tôm cua nướng. Long thấy ngại vô cùng, chối từ không dám nhận. Có lần Long hỏi Yến, biết Yến gia đình khó khăn, đi làm nuôi mấy đứa em còn đi học, phải trả tiền nhà trọ, tiền đâu mà Yến mua cho Long ăn những thứ gần như đặc sản vậy? Yến lúng túng khi nghe Long hỏi như vậy, Yến giả vờ đánh trống lãng bằng câu nói: “Đừng quan tâm và nhắc tới tiếng ăn nữa nha Long, Yến không muốn nghe”.
Một hôm, Yến mang đến phòng trọ của Long hộp thuốc bổ B Complex tặng Long. Yến gần như năn nỉ vì thấy Long “xì ke” quá. Yến như bác sĩ nhắc nhở bệnh nhân uống vào lúc nào, giờ nào. Long thật cảm động. Như vậy là họ đã yêu nhau! Long hứa với Yến ráng thi đậu lo tương lai hai đứa sẽ cưới nhau. Long giận vì Yến cứ giấu chỗ làm. Ngày nọ Long tức quá nên theo sau lưng Yến, đến nơi thấy biển thật lớn quán nhậu đủ món ăn tươi sống nằm trên đường P-V- H, Long giật mình, thì ra những món đồ của Yến mang về cho Long ăn mỗi tối chính từ ở nơi đây! Long thấy tội cho Yến và tự trách mình. Không hiểu trong môi trường như vậy liệu Yến có còn là Yến của Long hay không? Yến vô tình không hề hay biết và Long chưa nói cho Yến biết. Vào một tối thứ bảy Long đường đột đến quán vào lúc 8 giờ tối và Long tá hỏa khi chạy ngang qua quán. Thường ngày đi làm Yến mặc quần jean và áo pull. Sao vào quán Yến mặc như vây? Nhìn Yến trong chiếc váy ôm bó sát người qua khỏi mông chừng 3 tấc, đưa nguyên cặp đùi trắng nõn cộng lại chiếc áo thun cổ xâu xuống năm mươi của phần ngực nhô lên, thử hỏi đàn ông vào quán ăn uống nhìn vậy làm sao mà chịu nổi chứ. Long với chiếc xe cà tàng một mạch đạp về nhà như kẻ điên dại. Yến vẫn vô tư tối trở về vẫn mang theo bịch đồ ăn cho Long. Long tức giận tới mức độ ném thức ăn xuống nền nhà, Yến vẫn không hiểu gì cả. Mãi lúc sau Yến khóc và kể tất cả cho Long nghe. Tại sao Yến phải làm như vậy?. Nhà nghèo ba mẹ lại hay đau ốm, là chị hai của ba đứa em trai đang tuổi ăn học Yến hy sinh miễn là có tiền về trang trải cho ba mẹ không vất vả các em được đến trường. Long không kiềm chế được lòng mình nên chạy lại bên Yến hai tay ôm choàng qua tấm lưng nhỏ bé gánh chịu nhiều cực nhọc. Lúc ấy, Yến gần như thụ động cứ để mặc cho Long di chuyển những ngón tay qua thân thể của mình, đến khi Long luồn năm ngón tay về sau gáy của Yến, Long nhìn thấy trong mắt của Yến như dại đi, còn đôi môi run lên bần bật khi môi của Long chạm vào. Một cảm giác lâng lâng của chàng trai mới lớn, điều gì sẽ đến nếu hai thân thể con người trong một không gian như vây? Tự nhiên Yến xô Long ra khỏi người mình và bảo:
- Không, đừng làm nữa. Yến không xứng đáng với tình cảm của Long, hảy trả Yến về khởi điểm đi Long!
Long ức chế quá nên la thật lớn
- Tại sao, tại sao vây? Vì Long không có tiền phải không?
Yến không nói được câu nào, chỉ có hai giọt nước mắt chảy dài trên má. Ông chủ nhà trọ nghe tiếng la từ phòng Long nên gõ cửa vào rồi hỏi:
- Bây giờ mấy giờ? Sao chưa ngủ mà lớn tiếng vậy?
Quay sang bàn học của Long nhìn thấy Yến khóc và hộp thuốc bổ Long uống dở dang của Yến cho, thức ăn ném đầy dưới sàn nhà, cảnh tượng ấy có lẻ ông Bảnh hiểu tại sao rồi. Ông ấy vói tay cầm hộp thuốc lên hỏi Long:
- Ai uống thuốc này vậy?”. Long trả lời:
- Dạ của Yến cho cháu uống.
Cặp mắt ông ấy trừng trừng nhìn Long như muốn ăn tươi, nuốt sống.
Yến chạy một mạch về nhà rồi ầm một phát, cánh cửa đóng im ỉm.
Sáng hôm sau ông Bảnh không cho Long và Yến ở, bắt phải dọn ngay vào ngày mai.
Tại sao ông chủ nhà trọ không cho Long, Yến ở nhà ông ấy nữa?. Qua tìm hiểu, Long biết vợ và con ông định cư ở Mỹ. Ông ở lại Việt Nam. Thời gian qua ông không lấy tiền phòng của Yến vì rất mê Yến. Hộp thuốc bổ của ông ấy mua cho Yến. Yến không uống tặng lại cho Long. Khi hiểu ra người Yến yêu là Long chứ không phải ông ấy, nên ông ghen không cho ở nữa.
Đêm ấy, Yến bỏ đi không ai biết, riêng Long lại tiếp tục đi tìm nhà trọ và tìm Yến.
Sau đó Long thi và đỗ đại học. Hơn bốn năm Long có việc làm. Ngược dòng thời gian tìm về kỷ niệm, tối tối Long hay ra quán nước môt mình để tìm lại bóng hình của người con gái lần đầu tiên cho Long cảm giác như thế nào về nụ hôn đầu tiên. Long đi Cần Thơ theo địa chỉ của gia đình Yến, được biết Yến đã theo chồng hiện định cư bên Mỹ, ông Bảnh bán nhà, bán luôn dãy nhà trọ đi luôn. Long suy nghĩ rồi nói: “Có lẽ nào Yến theo ông Bảnh?"
Cho dù chồng Yến là ông Bảnh hay một người nào khác, Long tin chắc Yến yêu Long bằng trái tim nhân hậu vì tự ái của việc làm nên không muốn Long chạm vào người, mặc cảm tội lỗi do Yến nghĩ ra và ngăn cách tình yêu Long dành cho Yến. Long gọi khẽ: “Yến ơi! Em ở đâu? Anh cầu mong em hạnh phúc. Em còn nhớ không?. Cứ mỗi lần hai đứa đi chơi, em hay chọc ghẹo anh”. En không en, tét đèn đi ngủ, anh chọc lại em. Bắt con cá gô bỏ dô dỏ kêu gột gột. Đó là kỷ niệm đầu đời anh mãi không quên. Yến ơi!... em ở đâu?
B.Đ.A (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét